Tản mạn bất động sản Sài Gòn (Phần 1)

tan man bat dong san sai gon 1

“ĐOẠT HUYẾT TRANH VƯƠNG – VÌ SAO SÀI GÒN – SAIGON STAR?”

Tản mạn bất động sản Sài Gòn

…Ngay sau chuyến dạt vòm tại Hà Nội nửa cuối tháng 8, những ngày giữa tháng 9 này, mây lang thang tiếp tục cuộc hành trình đi theo đoàn thanh niên xã mực đen quyết định Nam tiến trong đêm tối bằng đường hòa tẩu, hòng tránh đợt truy quét từ quân triều đình.

…Xình xịch, phì phò tiếng máy kéo, lâu lâu lại khục khặc gằn lên vệt bánh răng nghiến xéo vào đường ray cứ cọt kẹt, ì ạch, gầm rú inh ỏi suốt chiều dài lịch sử đất nước. Trên tàu, một thanh niên trẩu tre mới làm bữa chia tay với anh em cùng vài người em gái nhỏ, sĩ diện nốc rượu tồng tộc đẫy mồm, lăn quay ra ngủ há hốc mỏ trên khoang ghế, bỗng giật nẩy người tỉnh giấc vì bị chú gián nhỏ không biết từ đâu chui tọt vào miệng, quyện với mùi hôi phảng phất từ khu WC cáu bẩn xộc ra. Anh thanh niên ngồi đối diện, năm nay đã 30 rồi, thấy vậy cười sằng sặc rồi buột miệng hỏi: sao người ta không nhổ quách cái khổ 1mét lạc hậu, lỗi thời này đi mà thay bằng khổ tiêu chuẩn 1.435 mm, làm từng đoạn chạy đến địa phương nào, địa phương đó phải có trách nhiệm trích ngân sách ra để làm, được đến đâu đỡ đến đó nhỉ?

…Tuyến đường sắt Bắc Nam thời ơ rê ca cởi truồng, do người Pháp bắt đầu xây dựng từ năm 1881 tới 1936 với chiều dài 1.750 km, khổ 1m, tồn tại cho đến ngày nay vẫn sở hữu công nghệ lỗi thời – hệ thống thông tin – tín hiệu lạc hậu – wifi tậm tịt có như không, đấu nối với các bến xe – xe buýt – các tuyến đường gom -đường bộ – biển – hàng không rất kém trong khi các cảng biển mới xây dựng cũng đếch tính đến xây dựng đường sắt, đầu máy – toa xe cũ kỹ,… dẫn đến việc vận chuyển hành khách cùng hàng hóa kém hấp dẫn, chi phí cao, lãng phí, bất tiện thành ra một trong những hệ thống cơ sở hạ tầng logistics quốc gia, phương tiện phụ trợ đắc lực cho nền kinh tế phát triển chẳng khác nào môn võ công kinh tế bị phế đi mất nhiều phần công lực.

…Đoàn tàu khựng bến bởi lời réo rắt ai ca:

“Dưới trăng dòng sông trôi rất dịu dàng. Như dải lụa vàng, xuôi về phương Đông

Thiếp nguyện cho chàng, nguyện cho chàng đặng hai chữ an bình an… Mau trở lại gia đàng, cho én nhạn mình hiệp đôi í a”

…Nếu ai đó từng đến Sài Gòn, rồi về chém gió phần phật kể chuyện mảnh đất này mà quên chưa nhắc đến giai điệu cải lương lồng vọng cổ thì có lẽ người đó chưa phải là đã hiểu và nếm đủ gia vị, thanh âm của Sài Gòn… Bắt nguồn từ hát bội, cải lương chuyển thể từ nghệ thuật hát tuồng hòa âm cùng đờn ca tài tử kết hợp với thể loại nhạc kịch mà điển hình là vọng cổ nhân ông Sáu Lầu khi nghe trống điểm từ chòi canh tâm hồn trở nên xúc động mà nẩy ra nhạc ý viết thành bài “Dạ Cổ Hoài Lang” da diết đến lòng nao.

…Ở hai đầu nỗi nhớ, bên này Sài Gòn có 2 mùa nắng mưa rõ rệt nên tính cách của phần không nhỏ người Sài Gòn có vẻ rất xanh chín, sòng phẳng hơn một số miền xa thẳm khác. Ví dụ điển hình là khi đi ăn cùng nhau thì cùng chia tiền mà có họa thì chẳng ai để bạn ráng chịu cả, không giống như một số nơi đến giai đoạn cầm hóa đơn thanh toán thì vài giống người tìm mọi mưu như giả say, khất hẹn hoặc bắt con chuồn chuồn về trước hòng né tránh chuyện tính tiền. Trong khi ấy bên kia niềm thương, người miền Bắc nếm đủ tứ tiết mùa: xuân-hạ-thu-đông nên phong thái mang một vẻ trầm lắng, sâu xa, ảo tung chảo, biến hóa khôn lường thành ra phần đa người miền Bắc hay luấn lị, nói đằng Đông mà té tát đằng Tây, sống thiên nặng chằng chịt, đan xen tình cảm… thể hiện qua cái Tết cuối năm, hàng xóm giếng làng đều cố lướt qua thăm hỏi chúc nhau dăm ba câu cho phải phép còn người miền Nam thì khác, tính tình hơi mát lạnh, nhà nào biết nhà đấy mà dành thời gian đi du lịch, hưởng thụ thanh xuân

…Bắc Trung Nam cùng chung một mái nhà nhưng ở mảng tối, mảnh đất Sài Gòn lại là nơi quần hùng tranh ngọc với la liệt những giai thoại rùng rợn từ các băng nhóm như thời tứ nhân binh xám khoảng những năm 1960 “Đại Tỳ Cái Thế”: Đại Cathay – Huỳnh Tỳ – Ngô Văn Cái – Nguyễn Kế Thế trong đó Đại Cathay tên thật là Lê Văn Đại được xếp hàng đầu bảng bởi tuổi đời còn khá trẻ mà đã thống lĩnh, cầm đầu được các nhóm giang hồ, sẵn sàng đụng binh với băng đảng đến từ phương bắc người Hoa và sở hữu thứ bản lĩnh mà hiếm gã giang hồ nào thời đó có được: một mình một kim khí, không đàn bầy kéo đệ, âm thầm tìm đến ăn thua với đối thủ (sau này may ra còn có Thành Chân đất Cảng tên thật là Ngô Chí Thành là sở hữu thứ máu lạnh này)… cho đến những cái tên nghe chẳng thơ đâu: Lâm Chín Ngón, Bảy Sy, Năm Cam, Châu Phát Lai Em, Hải Bánh… đụng độ “một cót một mần”, đoạt huyết tranh vương với liền nữ Dung Hà đại tỷ đến từ Hải Phòng… để rồi tất cả cũng đều nhận lấy một kết cục bi thương đến tàn đời. Ngày nay, các nhóm “hắc nhân thủ” đậm đen hơn các bậc tiền bối xưa về độ tàn phá xã hội, độ phủ sóng tác oai tác quái, họ chọn hành tẩu bằng cách đánh võ mồm, chửi tục tĩu trên không gian mạng, câu like bán hàng online, ỷ mạnh hiếp yếu, làm những chuyện bất bình chẳng tha, trái với luân thường đạo lý, bất nhân, bất nghĩa, bất trung với tổ quốc, làm băng hoại lôi kéo giới trẻ vào những thói đời đen xấu, ăn chơi đú ngựa hủy hoại thế hệ tương lai đất nước. Cụm người ấy cho mình cái mác là “giang hồ” hòng ra oai với thiên hạ nhưng thực chất họ chỉ là những kẻ tầm thường, quá đỗi kém cỏi so với những người như nhóm “Hiệp sĩ đường phố” thấy cảnh bất bình chẳng tha, lấy chí nhân thay cường bạo, giúp đỡ người yếu thế hơn mình, những cá nhân xả thân cứu người bị bệnh, người khác thì từng ngày từng giờ chắt chiu dành thời gian làm điều thiện nguyện… được người đời nể trọng mà tặng cho 4 chữ ấy là “XỨNG DANH HẢO HÁN” chứ đâu có lèm nhèm thể hiện giang hồ xưng thế với ai kia!

…Gác lại chuyện hắc binh, tiếng bình luận viên bóng đá gào lên trên tivi mỗi khi Messi dẫn bóng vượt qua các hậu vệ rồi co cẳng sút “tươi lúng” khung thành đối phương nhưng giờ đây nhìn về góc độ clb và đội tuyển, một tập thể quá phụ thuộc vào một cá nhân, các cầu thủ chỉ xoay quanh một cái tên thì vinh quang đã không còn có thể bách chiến. Sài Gòn có phải là Messi của nền kinh tế không? Hình dung rằng đội hình kinh tế của cả nước với 63 tuyển thủ nên là một tập thể tất cả cùng mạnh, không có vị trí nào yếu như hàng công kinh tế sẽ là Công Phượng Gia Lai, tiền đạo thương mại Tiến Linh Sài Gòn, tiền vệ tài hoa như Tuấn Anh, Quang Hải, Xuân Trường, nhanh nhẹn như Văn Toàn, chắc chắn như hậu vệ Đình Trọng, Duy Mạnh Hà Nội dưới sự dẫn dắt của một nhạc trưởng tài ba, có tâm như Park Hang Seo thì cơ đồ đất nước khó gì mà không cất cánh?

…Nhìn về nội tại, ngoài các dự án bđs trình ình ngồn ngộn bê tông đắt cắt cổ, điều gì khiến một thành phố trở nên giá trị để thu hút du lịch và con người từ khắp nơi đều yêu mến, coi nó là điểm đến nhất định trong đời cần khám phá? Đó là giá trị vô hình: văn hóa, thăng trầm của lịch sử, tàn tích của những cuộc giao tranh, binh đao lửa khói, từng hàng cây, con sông, nhà thờ, đền chùa miếu mạo… những minh chứng lịch sử của tiền nhân. Choáng váng thay khi biết nhiều địa điểm đang bị xâm lấn, chiếm dụng, rất nhiều di sản nổi tiếng của Sài Gòn phai dấu: ụ tàu, cầu sắt trong Thảo cầm viên, cầu Ba Cẳng độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á trên kênh Hàng Bàng (quận 6), tháp quan sát phòng cháy chữa cháy đầu tiên của TP ở khuôn viên Sở Cảnh sát PCCC, trại Davis trong sân bay Tân Sơn Nhất, công viên Chi Lăng, quán cà phê Givral, Nhà đèn Chợ Quán, cầu Nhị Thiên Đường, vòng xoay Quách Thị Trang cùng tượng Trần Nguyên Hãn… Những di sản ấy là tất cả sản nghiệp mà con người thời trước để lại nếu vì bất khả kháng phải cân nhắc nâng lên gạt xuống, chấp nhận đánh đổi để đem lại lợi ích lâu dài thì cũng cần làm điều gì đó để những di tích ấy hiện hình dù nhỏ hay chỉ đôi dòng chú thích…

…Lắng nghe nào câu hát đời yêu:

“Màn đêm xuống dần, muôn ánh đèn đột nhiên như ngời sáng

Kìa bao phố phường, bao mái lầu chìm trong bóng đêm… Đời đẹp quá á a à á a a bài thơ?”

…Liệu Sài Gòn có đẹp, đẹp mãi đến nhường ấy? Mây lang thang sẽ cùng quý vị đi tìm lời giải cho những câu hỏi về Sài Gòn một vì sao và vì sao Sài Gòn trước khi khám phá từng hang cùng ngõ hẻm các huyện, quận nơi đây

  1. Vì sao Sài Gòn lại phát triển nhất cả nước?
  2. Vì sao Sài Gòn và 62- lại ngập và ô nhiễm?
  3. Tại sao Sài Gòn hay kẹt nặng?
  4. Sài Gòn sẽ phình, phồng đến khi nào thì dừng lại để bảo dưỡng?
  5. BĐS Sài Gòn có hiện tượng gì mới
  6. Nhận định bất động sản trong tương lai?

1.VÌ SAO SÀI GÒN PHÁT TRIỂN NHẤT CẢ NƯỚC?

Diện tích, dân số

…SG có tổng diện tích 2.095 km2, mật độ dân số khoảng 6.205 người/km2, tổng dân số ước tính gần 13 triệu người, tức là bằng dân số khoảng 10 nước cộng lại như: Đảo Síp (1,2tr) + Timor – Leste (1,3tr) + Trinidad và Tobago (1,4tr) + Slovenia (2tr) + Qatar (2,8 tr) + New Zealand (4,8tr) … tạo nên một bức họa đầy hấp lực cho các thương hiệu khai thác thèm muốn thị trường tiêu thụ ngồn ngộn này

Kinh tế

GDP

…Anh Hai Sài Gòn là vựa tiền để cả nước trông nhón vào với sự đóng góp rất lớn cho ngân sách quốc gia phân bổ cụ thể: giai đoạn 1996 – 2000, trên 1km2 SG tạo ra GDP gấp 27 lần so với bình quân cả nước, chiếm bình quân khoảng 17% kinh tế cả nước + giai đoạn 2001 – 2010 đóng góp khoảng 26,5% ngân sách + giai đoạn 2011 – 2019 trên 1km2 tạo ra GDP gấp 35 lần bình quân cả nước, đóng góp 27,5% ngân sách, trong đó năm 2019 vừa qua ước thu ngân sách của SG bằng tổng thu của 55 tỉnh cộng lại trong cả nước, tính từ dưới lên (tuy nhiên hiện nay chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của SG lại tiếp tục đi xuống qua các năm, cụ thể: năm 2019 đã rời khỏi tốp 10, xếp hạng 14/63, tụt 4 bậc so với 2018, năm 2018 giảm 2 bậc so với năm 2017 do chỉ số cải cách hành chính không cao, tính cạnh tranh kinh tế so với các địa phương khác bị giảm nhiệt…)

Doanh nghiệp

…Cả nước có khoảng 700.000 doanh nghiệp đang hoạt động thì riêng SG đã chiếm 200.000 doanh nghiệp với năng suất lao động, GRDP/người cao nhất cả nước (khoảng 6.800USD/người, gấp 2,3 lần bình quân cả nước). SG có khoảng 50 trung tâm thương mại, 206 siêu thị, 238 chợ truyền thống, 3 chợ đầu mối, hơn 400 chợ bán lẻ, 2.658 cửa hàng tiện lợi dẫn đầu về số lượng hệ thống các ngân hàng, quy tụ hầu hết các doanh nghiệp lớn cũng như hàng trăm điểm vui chơi

Khu công nghiệp, chế xuất

…SG sở hữu hơn 40 khu công nghiệp, chế xuất, nhiều top 3 cả nước cụ thể quận Thủ Đức có khu chế xuất Linh Trung, công nghiệp Linh Trung 2, Bình Chiểu – Quận 7: khu chế xuất Tân Thuận, cụm công nghiệp Phú Mỹ – Huyện Củ Chi: khu công nghiệp Đông Nam, Tây Bắc, cụm cộng nghiệp cơ khí oto, cụm Phạm Văn Cội, Tân Quy A, Tân Quy B, Bằu Trăn, Tân Phú Trung – Huyện Nhà Bè: khu công nghiệp Tân Bình, khu công nghiệp Hiệp Phước, cụm Công Nghiệp Long Thới – Huyện Bình Chánh: khu công nghiệp Vĩnh Lộc, cụm công nghiệp tổng cty Nông Nghiệp SG, cụm CN Trần Đại Nghĩa, Quy Đức, Tân Túc, Phong Phú, Lê Minh Xuân, An Hạ, Đa Phước – Quận 9: khu công nghệ cao xa lộ HN, công nghiệp Long Sơn – Quận 12:khu công nghiệp Tân Thới Hiệp, phần mềm Quang Trung, Hiệp Thành – Quận 8: cụm CN Bình Đăng – Quận Bình Tân: khu CN Tân Tạo – Quận 2: khu CN Cát Lái 2, cụm CN, tiểu thủ CN – Huyện Cần Giờ: cụm CN Tân Thới Nhì, Tân Hiệp A, Tân Hiệp B, Nhị Xuân, Đông Thạnh, Dương Công Khi, cụm CN Bình Khánh… với khoảng 10% cơ sở công nghiệp có trình độ công nghệ hiện đại. Sở dĩ liệt kê những cụm khu công nghiệp này để lý giải tại sao SG luôn dẫn đầu kinh tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhiều nhất và là trung tâm sản xuất, xuất nhập khẩu lớn nhất cả nước. (Tuy nhiên nhiều chưa chắc đã bền, lao động giá rẻ còn yếu kĩ năng chưa làm chủ được công nghệ cao, tài nguyên khai thác hạn chế không còn là thế mạnh, giá thuê đất cao 106$ – 125$/m2/chu kỳ thuê 40-50 năm, cơ sở hạ tầng máy móc thiết bị chưa đáp ứng được xu thế, tỷ lệ hoạt động, lấp đầy chưa đạt, nơi ở cho các chuyên gia công nhân, hệ thống xử lý nguồn ô nhiễm không được chú trọng…mà cần phải tinh gọn lại, du nhập kỹ thuật, quản lý tiên tiến loại bỏ dần công nghệ lỗi thời, đảm bảo yếu tố môi trường, nâng tầm chất lượng dịch vụ logistic, chuyển đổi đa dạng từ gia công tay chân sang các mô hình công nghiệp mới: hỗ trợ, sinh thái, đô thị, dịch vụ có tri thức cao cũng như từng bước tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm tăng tỉ lệ phần trăm nội địa hóa…mới mong có sức cạnh tranh với các nước trong cùng khu vực)

Văn hóa

…SG hiếm có cháo chửi, phở mắng, dễ mê hoặc thu hút được lòng người bởi nền tảng, văn hóa dịch vụ đa dạng phong phú, cung cách phục vụ dễ thương hơn, vượt trội hơn hẳn so với các tỉnh thành còn lại

…SG thừa hưởng gốc của thương mại sẵn có từ nhiều thế kỷ trước, văn hóa kinh doanh cũng trọng chữ tín hơn nên được khách hàng tin tưởng tạo ra một thói quen, tiềm thức cho những người phương xa cứ đến SG để lập nghiệp mà không lo chết đói (tuy nhiên thời gian gần đây riêng về lĩnh vực bđs các dự án đã tràn ngập băng rôn, sai phạm, lừa đảo cũng như mặt bằng giá bđs bị thổi lên với giá cắt cổ)

Về cơ sở hạ tầng giao thông:

+Đường bộ: 

SG sở hữu 239 cây cầu (nhưng phần lớn chiều rộng nhỏ hơn chiều rộng của đường, trọng tải thấp, một số đang trong tình trạng xuống cấp gây khó khăn cho lưu thông, hệ thống đường trải nhựa đang quá tải, cần sửa chữa, các huyện ngoại thành đường vẫn phần nhiều là đường đất đá) + Bến xe Miền Đông, Miền Tây cùng vài bến xe phụ trợ ở Quận 8, An Sương và Ngã Tư Ga.

+Đường Thủy: 

SG sở hữu hàng chục hệ thống sông kênh rạch chằng chịt chia làm 110 tuyến, với tổng chiều dài gần 1.000 km trong đó khai thác đưa vào sử dụng xe buýt sông giữa 2017 với các bến: Bạch Đằng, Bình An, Thanh Đa, Hiệp Bình Chánh, Bến Linh Đông, một số bến chưa hoạt động như bến: Tầm Vu, Tân Cảng, BìnhTriệu, Thảo Điền, Trường Thọ, Súc, Kéo, Mộc Hóa, Hiếu Liêm sông Đồng Nai, Hà Tiên, Kiên Lương, Cà Mau, Kiên Giang  + Tuyến tàu cánh ngầm nối Cảng Nhà Rồng với Cảng Cầu Đá, Thành phố Vũng Tàu + 50 bến đò, phà trong đó lớn nhất là Phà Cát Lái nối Quận 9 với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai + 41 cảng hàng hóa đang khai thác với tổng chiều dài cầu cảng là 14.679 m trong đó có 4 cảng biển chính: Sài Gòn, Bến Nghé, Nhà Bè, Tân Cảng cùng các cảng sông Bình Đông, Tân Thuận, Tôn Thất Thuyết, Bình Lợi, Bình Phước (tuy nhiên năng lực bốc xếp yếu, thiếu thiết bị, chuyển tiếp giữa giao thông đường bộ, đường biển, đường sông, đường sắt gặp khó khăn, việc khai thác, đầu tư hạ tầng đường thủy vẫn chưa được chú trọng, tình trạng ách tắc ngày càng trầm trọng,  không còn chỗ để mở rộng tại những địa điểm hiện hữu, hệ thống cảng nội đô chưa được di dời ra khỏi khu vực trung tâm vì nhu cầu tiếp nhận tàu tải trọng lớn hơn trong khi mức nước ngày càng cạn…)

+Đường Không: 

Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất cách trung tâm thành phố chỉ 5 km với hơn 25 triệu lượt khách đi và đến với khoảng 43 hãng hàng không quốc tế mở đường bay đến sân bay này (tuy nhiên hiện nay đang quá tải trầm trọng, đất sân bay ngày càng bị xâm lấn)

+Đường sắt – ngầm: có hai nhà ga chính là Sóng Thần, Sài Gòn, một số nhà ga nhỏ như Dĩ An, Thủ Đức, Bình Triệu, Gò Vấp cùng với 8 tuyến đường sắt đô thị tổng chiều dài hơn 220 km: tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) dài gần 19,7km với 14 nhà ga (11 ga trên cao, 3 ga ngầm) dự kiến đến cuối năm 2021 sẽ vận hành chính thức + Metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) đi qua 6 quận gồm 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú, tổng chiều dài hơn 11km, bao gồm 9km ngầm và 2km trên cao với 10 nhà ga (9 ga ngầm, 1 ga trên cao), khởi công trong năm 2021 + Metro 3A (Bến Thành – Tân Kiên ) + Metro 3B (Ngã 6 Cộng Hòa – Hiệp Bình Phước ) + Metro 4 (Thanh Xuân – Đô thị Hiệp Phước) + Metro 4B (Công Viên Gia Định – Lăng Cha Cả) + Metro 5 (Bến xe Cần Giuộc mới – cầu Sài Gòn) + Metro 6 (Bà Quẹo – Vòng Xoay Phú Lâm) … (tuy nhiên vấn đề nguồn vốn, khai thác quỹ đất, vận hành hiệu quả…vẫn đang là một câu đánh đố cho thành phố)

Giáo dục

…Sài Gòn sở hữu hệ thống giáo dục cung cấp nhân sự nhân tài cho đất nước với khoảng 2.600 các trường gồm: 1.346 trường mầm non, 500 trường tiểu học, 280 trường THCS, 199 trường THPT, 28 trung tâm giáo dục thường xuyên, hơn 300 trường đại học cao đẳng trung cấp (tuy nhiên việc cả nước có hàm vị gần 25000 giáo sư, tiến sĩ nở rộ như bông điên điển mà hiếm có công trình công bố quốc tế, kiến thức nặng về bằng cấp thiếu thực chất, thực tiễn, tình trạng lắm thầy nhiều thợ, hệ thống các trường học, ngành học ăn theo giáo dục thừa mứa góp phần đè nặng lên dân số thành phố)

…SG như một tiểu hợp chủng quốc pha trộn nhiều nền văn hóa, đa dạng các kiểu người Bắc Trung Nam lẫn quốc tế gắn liền với các giọng nói, ngôn ngữ khắp nơi hội tụ, khiến cho bản năng con người muốn được tiếp cận, tiếp xúc điều mới lạ thôi thúc hơn. Không những vậy SG có cuộc sống phong phú, năng động, dễ chịu, không gò bó tạo nên miền đất hứa cho nhiều nghệ sĩ, ca sĩ muốn thành danh như Sơn Tùng MTP, Văn Mai Hương, Bích Phương, Soobin Hoàng Sơn, Thành Lộc, Lan Khuê, Đạt G, Phan Mạnh Quỳnh, Jack… cho đến số lượng vượt trội về các bộ phim điện ảnh mỳ ăn liền thiên về thương mại hút khách hơn là mang màu sắc hàn lâm.

Những liệt kê đến toát mồ hôi hột kể trên về những gì mà Sài Gòn đang sở hữu để dẫn tới các thành tích con số đứng nhất cả nước, mây lang thang mệt lả đi trong giai điệu của bài hát:

“Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai,

Từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay

Phố xa thênh thang đón chân tôi đến chung vui

Sài Gòn ngập lắm, Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi!”

2.VÌ SAO SÀI GÒN và 62-… LẠI NGẬP VÀ Ô NHIỄM?

…Sài Gòn được chọn là nơi phát triển nhất cả nước và cũng được thiên nhiên chọn là nơi ngập nhất cả nước bởi yếu tố con người với tổng dân số ước tính gần 13 triệu người bằng dân số khoảng 10 nước cộng lại nèn chặt trong diện tích 2.095 km2. Thử nghĩ mà xem với từng ấy triệu ý thức xả thải, không có văn hóa xử lý rác thải cứ tiện tay ném và vứt thì ống thoát nước có cách đây 50 năm hay vừa mới xây nào, môi trường nào chịu cho thấu?

…Bâm bấm tay, nhắm mắt lim dim ra điều ngoại cảm để nói về phong thủy của một miền đất, người ta hay dùng ngữ lực hòng tìm cách trị thủy mà ngăn sông, lấp kênh mương, xóa rạch, chặn tan tác các dòng thác mà thay bằng những khối bê tông chọc cắm xuống bề mặt. Nhưng con người đâu có thấu được đất mẹ đã khó khăn nhường nào khi mất hàng triệu năm mới hình thành lên các mạch máu chảy quanh cơ thể của mình để nuôi dưỡng toàn bộ hành tinh. Mạch máu đó chính là hệ thống sông ngòi, kênh, rạch, hồ, ao, thác… với con người đó chỉ là nước nhưng với Trái Đất đó là mạch máu. Con người vì mưu lợi trước mắt mà lấp, xóa, chôn sống, cắt đứt mạch của trời đất để chạy theo sự phù phiếm xa hoa thì điều này đã phạm phải một lỗi phong thủy rất nghiêm trọng dẫn đến tình trạng ngập nặng như hiện nay. Theo thống kê có tới 95% sông và kênh rạch bị xâm hại, 15-17% diện tích mặt kênh rạch bị lấn chiếm làm của riêng, 20% ao hồ kênh rạch bị san lấp (3.506ha), tương đương với diện tích chứa nước khoảng 25 triệu m3. Theo một nghiên cứu chỉ trong 12 năm từ 1996 đến 2008, tại Sài Gòn đã có hơn 100 kênh, rạch với tổng diện tích khoảng 4000 hecta bị lấp và bị lấn chiếm. Những hành động thế này cần phải bị chặn đứng!

…SG vốn thấp dần từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông, vùng trũng nằm ở phía Nam – Tây Nam – Ðông Nam thành phố, người Pháp trước đây đã xếp quận 7 (Phú Mỹ Hưng) vào cùng cấm, họ để hoang vùng sinh quyển này với dụng ý làm nơi chứa nước tự nhiên cho toàn thành phố. Đến trước năm 1972, các chuyên gia Mỹ và tổng cục gia cư cũng đưa ra phương án quy hoạch đều nhấn mạnh đến việc phát triển Sài Gòn về phía B-ĐB với T-TB vì có nền đất cứng, cao ráo còn khu vực phía nam hạn chế phát triển vì là vùng kênh rạch, đất trũng dành làm nơi thoát triều của thành phố nhưng rồi quy hoạch, hành động dường như khác hết cả. Và sắp tới đây khu dự trữ sinh quyển hiếm hoi còn sót lại quý hơn vàng, là hơi thở của SG chính là Cần Giờ lại tiếp tục chuẩn bị đón nhận những trận mưa bê tông trút xuống nơi này mà trong phần chi tiết huyện Cần Giờ phía dưới, mây lang thang sẽ chia sẻ đôi dòng suy tư

…Ở trên cao mây lang thang nhòm xuống, hầu hết các thành phố lớn là một cục bê tông đô thị vô hồn và háu ăn. Khắp bề mặt của các đô thị đã bị bê tông phủ kín nuốt chửng, dùng gạch lỗ để mưa thấm thì thay bằng đá kín mít, không còn mặt đất tự nhiên để thấm hút lượng mưa khổng lồ, trong khi cống thoát nước thì bé lại tắc vì rác thải thì mưa chỉ còn cách làm ngập mặt dân gian, mưa không được bồi trả về với lòng đất dẫn đến các túi nước ngầm sẽ bị cạn kiệt dần mòn khiến cho tốc độ sụt lún của toàn bộ đô thị tăng cao.

…Sài Gòn hay nhiều nơi khác chỉ chăm chăm tập trung đẹp mặt cao cao, lơn lớn ở trên nhưng hệ thống ngầm bên dưới thì ruột lộn, tiết lộn, mỏng manh vô cùng? Câu hỏi đặt ra là tại sao Paris, các thành phố lớn khác ít khi bị ngập mà ở ta lại ngập ngụa? Có lẽ là bởi họ là những chuyên gia có chuyên môn tầm cỡ trong việc quy hoạch, tính toán, thiết kế từ tầng dưới lên trên

…Sự yếu kém về mặt kĩ thuật thiết kế đô thị, độ dốc cốt nền không được phân bổ hợp lý, thiếu hợp tác giữa các ban ngành liên quan như thuỷ lợi, điện, giao thông… đến công tác thanh tra đô thị cứ đời này lấp rồi đến đời mới lại tìm cách đào lên bụi mù cả thành phố.

…Theo số liệu diện tích quy hoạch đất công viên toàn TP là 11.418,47 ha, trong đó khu vực nội thành cũ (13 quận) là 954,65 ha, khu vực quận mới (6 quận) là 3.704,72 ha, ngoại thành (5 huyện) là 6.759,1 ha các quận mới, các huyện ngoại thành thì diện tích đất công viên công cộng còn rất hạn chế mặc dù có quỹ đất quy hoạch công viên cây xanh rất lớn điển hình như các quận 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh chưa có một công viên công cộng lớn nào và thực tế hiện nay đất công viên chỉ có khoảng 500 ha với vỏn vẹn 405 công viên. Trong khi các quỹ đất công, đất dự trữ, đất di dời các nhà máy thay vì để dành làm mảng xanh cảnh quan, ao hồ điều tiết chứa nước mưa, công viên thì lại tìm cách biến tất thảy thành rừng chung cư, biệt thự, liền kề thọc xuống mặt đất bất cần nghỉ tới tương lai người giàu hay người nghèo sẽ buộc phải cùng nhau lội bì bõm dưới làn nước đen thối, công trình phụ tắc phun ngược lên.

…Một số các dự án phù phép mật độ xây dựng vượt chuẩn, chiếm đoạt biến đổi công năng sử dụng đất trong khi người dân cũng không kém cạnh khai thác nguồn nước ngầm trái phép, xây nhà thì lấn chiếm hành lang kênh rạch, hở ra là đua lấn chỉ giới thò thụt và tất cả các công trình đều không chịu thiết kế vài m2 để lấy chỗ làm sân cỏ, trồng cây

…SG có lượng rác thải lên tới 6.000 tấn/ngày, các khu xử lý rác thải bị quá tải bốc mùi, trong khi mật độ cây xanh chỉ khoảng 1–2 m²/người, khi mưa lớn kéo dài dẫn đến ngập và kéo theo bệnh dịch tăng cao, ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng

…Vậy suy cho cùng thì tương lai, trong 10-20-30-50-100, hàng nghìn năm nữa, trông mong nào nếu không chịu thay đổi khi biến đổi khí hậu, thiên tai càng trở nên điên cuồng thì Sài Gòn ngập, ngập nữa, ngập nặng hơn là điều không thể tránh khỏi. Nếu không có các giải pháp: Xây dựng đường đê biển khổng lồ chắn xung quanh – Xây dựng các đập ngăn mặn (quản lý thật chặt việc sử dụng ngân sách) – Lắp thêm các tấm lưới thép ở tất cả các miệng cống tránh dân xả rác bừa bãi – Rà soát kiểm tra lại hệ thống thoát nước trên từng đoạn, quận, toàn thành phố – Loại bỏ ngay các giải pháp không hiệu quả đỡ tốn tiền ngân sách – Đưa vào các kênh thông tin trạm quan trắc cảnh bảo sớm kết hợp dùng loa phường bố trí tại các con đường để thông báo cho người tham gia giao thông tránh tắc ngập lụt – Xét theo từng lưu vực để đặt mốc về cốt nền cho phù hợp mới xác định được nơi nào nên nâng, chỗ nào không và người dân cũng dựa theo chuẩn đó mà làm nhà – Cần phải bắt tay với các nước phát triển có thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại, hỗ trợ, tham vấn, tư vấn, giám sát chặt chẽ – Hạn chế và dừng cấp phép các dự án bđs tại những nơi nhức nhối về ngập – Quy hoạch, đồng bộ, xem xét nghiêm túc thay thế hệ thống ống ngầm thoát nước phía dưới và kiểm tra bắt buộc các dự án phải có hệ thống xử lý nước thải – Tận dụng hàng trăm nghìn học sinh sinh viên tại các cơ sở giáo dục tham gia trồng cây gây xanh ở các tuyến phố nơi phù hợp trên địa bàn thì thành phố sẽ không còn lo về mảng xanh – Làm mọi cách để nước được chảy về với nước còn không thì người dân khi xây nhà thì nên tính đến chuyện bỏ không tầng 1 đầu tư thêm xuồng, ghe để sẵn trong nhà sau này làm dịch vụ chở người, xe cộ mà kiếm thêm thôi

…Đại thi hào Nguyễn Du sinh năm 1766, Victor Hugo sinh ngày 26/02/1802 tại Paris hoa lệ cả hai đều có những tác phẩm để đời cho hậu thế đó là “Truyện Kiều” và “Những Người Khốn Khổ”. Tuy nhiên nếu như những nhân kiệt này mà sống phải thời đại này thì quả thật họ sẽ chẳng còn tâm trí nào mà viết lên được những cảnh đời khốn khổ như thế. Người nay có những nỗi thống khổ lạ hơn người xưa rất nhiều lần.

3.VÌ SAO SÀI GÒN KẸT NẶNG?

…Vẫn là nguyên nhân của mọi nguyên nhân do mật độ dân số quá khủng khiếp 13 triệu người sở hữu khoảng 8,94 triệu xe cá nhân: khoảng 830.000 ôtô – 8,12 triệu xe máy với tỷ lệ người dân thành phố sở hữu phương tiện cá nhân khoảng 0,9 người/phương tiện chưa kể số xe của người lao động từ tỉnh thành khác vào làm việc trong khi hệ thống giao thông chỉ có khoảng 3.800 tuyến đường, tổng chiều dài gần 3.700km, phần lớn là đường (cầu) to bằng mắt muỗi với 70% bề rộng dưới 7m và khoảng 4.300 nút giao, hầu hết là giao cắt đồng mức, mở các đường ngang ở các phố có dải phân cách mềm không hợp lý dẫn đến xung đột di chuyển.

…Tốc độ đô thị hóa ào ào, mau mau chong chóng cờ tới tay là vẽ nhà lên bán nên hạ tầng giao thông bó tay, không theo kịp với đà sinh sản và sự di cư ào ạt từ các nơi đổ về chưa kể cõng thêm một lượng lớn 30% yếu tố người nước ngoài được sở hữu bđs, thể hiện qua tỷ lệ diện tích giao thông/diện tích xây dựng chỉ đạt khoảng 8% trong khi theo yêu cầu là phải đạt từ 24% đến 26% mới đáp ứng được mức tăng trưởng dân số và cân bằng giao thông đô thị.

…Thử bỏ những tảng đá to và đổ hạt cát vào một chiếc thùng chúng ta sẽ hiểu 90% nguyên nhân kẹt xe là do oto và xe buýt 4 bánh – những hòn đá tảng án ngữ mặt đường chứ ko phải là xe máy. Phương tiện nào cứ đi được thì phương tiện đó ko phải là thủ phạm, còn phương tiện nào không di chuyển được đích thị đó là thủ phạm cộng thêm xu hướng chuyển từ xe máy sang ô tô cá nhân trong khi đường xá bé bằng mắt trâu càng làm cho tình trạng kẹt cứng thêm nghiêm trọng

…Do đào bới bung bét, lắp cống, ống hoài nghi về chất lượng, không biết khi nào thì dừng, thì xong hiện rõ bức tranh phối hợp giữa các ban nghành có liên quan không đồng bộ, đường quốc lộ đi ngang qua trung tâm thị xã mà không làm đường tránh, không kiểm soát lưu lượng xe dù, xe taxi

…Tai nạn va quệt trên đường lưu thông do ý thức rất kém của người tham gia giao thông đứng giữa đường cãi vã thay vì tạt tấp vào nơi đường quang lấy hình ảnh camera làm chứng chờ cơ quan chức năng đến để phân xử

…Tình trạng xe buýt cận đát phun khói đen kịt, dịch vụ chất lượng kém, nạn móc túi hoành hành, hệ thống giao thông công cộng như đường tàu điện thiếu…người dân không mặn mà sử dụng

…Thiếu bãi đỗ xe công cộng, một con đường gánh hàng chục tòa chung cư, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để bán hàng, phụ huynh chờ đón con trước cổng các trường học dừng bất chấp dưới lòng đường, giờ tan tầm là xe thu gom rác từ những người lao công lại vô tư cản trở

…Mức phạt tiền vi phạm luật giao thông vẫn còn thấp, chưa đủ sức răn đe, thường xuyên tắc nghẽn tại các khu vực cửa ngõ ra vào cảng

…Tỉ lệ học sinh cấp 1, cấp 2, cấp 3 tham gia giao thông rất thiếu ý thức cũng là một nguyên nhân nguy hiểm. Nếu ở mọi hệ thống từ nhà trường, phụ huynh và cộng đồng giáo dục chuẩn mực cho các cháu ngay từ bé, dạy các cháu phải biết đâu là sai, đâu là đúng, biết xấu hổ trước những hành động ngổ ngáo, thói quen mất nết thích thể hiện của mình thì hiệu quả đơn giản nhất đối với xã hội trong tương lai không cần phải tô vẽ cao sang, tri thức màu mè, đao to búa lớn, phóng đại gì mà là khi chúng lớn lên sẽ chấp hành tốt pháp luật, tỉ lệ phạm tội, các tệ nạn sẽ giảm…xã hội sẽ bớt đi rất nhiều mối lo

…Giải pháp trước mắt cho những nguyên nhân này là: đầu tư hệ thống giao thông công cộng công suất lớn, tích hợp với giao thông đường sông, đường thủy, phát triển theo hướng đa tâm nhằm phân bổ, kéo giãn dân cư, đảm bảo giao thông theo kịp sự phát triển kinh tế – xã hội, hạn chế sử dụng xe cá nhân nhất là hạn chế ô tô khuyến khích dùng xe đạp ở quãng ngắn khu trung tâm, bố trí nhiều đường một chiều, cải thiện chất lượng xe buýt, phạt thật nặng các hành vi vô giáo dục khi tham gia giao thông như tịch thu luôn phương tiện, hoàn thiện rà soát lại, đồng bộ toàn bộ hệ thống quy hoạch đường sắt, đường bộ, đường thủy, các đô thị mới ngoại thành khi có nguồn đất sạch còn sơ khai phải thực hiện nghiêm, thực hiện đúng quy hoạch tầm nhìn, tăng chất nhưng giảm về lượng các khu công nghiệp, trường học, xác định nguyên nhân của kẹt xe nằm ở múi giờ, phương tiện cồng kềnh như oto choáng hết lòng đường thì tập trung giải quyết vào 2 nguyên nhân chính này với các biện pháp như thay đổi múi giờ, quy định làm việc online buổi sáng đến 9h hãy tới cty, xe oto chạy chẵn lẻ, khuyến khích đạp xe, cáp treo công cộng, cấm oto đi vào các con đường hay tắc nghẽn ở các khung giờ nhất định …

…Mọi thứ đang kẹt như thế đó, vậy còn ý chí, khát vọng và cái tôi kiêu hãnh của mỗi cá nhân con người Việt Nam liệu có để bị kẹt cứng loay hoay mãi hay ko?

…Hãy nhìn về câu chuyện của gã khổng lồ Sam Sung, vào những năm 90 của thế kỷ trước so với Sony đình đám một thời, Sam Sung lúc ấy chỉ là loại cắc ké, làng nhàng không đủ tuổi để ho hoe, húng hắng. Tuy nhiên trong một lần ghé thăm nhà máy vào 1995, chủ tịch Sam Sung lúc bấy giờ là Lee Kun Hee đã phát hiện ra một số dòng điện thoại mới của mình mắc lỗi, ông ta đã ra một quyết định điên rồ: “Đập nát và đốt hết kho hàng”. Vài trăm ngàn chiếc điện thoại có giá trị lên đến 50 triệu USD đã bị phá huỷ, thông điệp mạnh mẽ mà ông ấy muốn gửi đến khách hàng trên toàn thế giới là “chất lượng là nhân cách, giá trị của tôi” và sau ngày hôm đó, Samsung đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực LCD (màn hình tinh thể lỏng) để rồi soán ngôi các đối thủ và tồn tại đến bây giờ. Cùng chung số phận với Sony phải kể đến 2 thương hiệu Nokia & BlackBerry những thương hiệu mải mê vinh quang, đứng yên và không chịu trở mình! Nhìn về phía Sài Gòn tự hỏi

4.SÀI GÒN PHỒNG PHÌNH ĐẾN MỨC NÀO THÌ DỪNG LẠI ĐỂ BẢO DƯỠNG?

…Sài Gòn hay các tỉnh diện tích như thế, tiềm năng như vậy thì dân số, phát triển bao nhiêu là đủ, không bị quá tải hay sát nhập phình càng to, càng lớn ra thì càng tốt, có dễ quản lý, phát triển hay không hoặc phải có một giới hạn nào?

…Một vận động viên gánh tạ chuyên nghiệp sức nâng lớn nhất của anh ta cũng chỉ 300 cân dù có cố bồi bổ, tập luyện cỡ nào thì cũng ko thể nâng được mức tạ 500kg được, quả bóng bơm quá căng thì cũng phải dừng để bơm quả khác nếu cố bơm sẽ nổ, xe máy động cơ khai thác đến một lúc nào đó cũng phải dừng mà sửa trữa?

…Một thành phố cũng vậy, SG cũng vậy, tín hiệu cảnh báo đến mức giới hạn chịu đựng đã rất rõ ràng phát ra từ đất mẹ: tình trạng triều cường, mưa là ngập lụt nặng, ô nhiễm không khí, giao thông quá tải kẹt xe nặng, mật độ dân số quá đông, nhiệt độ tăng cao bất thường, hệ thống bệnh viện chăm sóc sức khỏe quá tải, tỉ lệ ung thư tăng cao top thế giới… Viễn cảnh trước mắt theo các chuyên gia dự đoán là nguy cơ ngập lụt có thể tăng 10 lần cho đến 2050 nếu các hoạt động kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng diễn ra quá mức lúc đó SG sẽ chịu thiệt hại hàng tỉ USD mỗi năm và trường hợp xấu nhất khi nước biển dâng tới mốc 180cm cho đến cuối thế kỷ 21 thì 2/3 thành phố có nguy cơ đối mặt với trận ngập lịch sử. Hậu quả là hệ thống tàu điện, trường học, bệnh viện… buộc phải ngưng hoạt động, tổn thất về bất động sản cũng sẽ lên đến hàng tỉ USD, nguồn nước bị ô nhiễm, dịch bệnh, điện sẽ bị cắt, thành phố có thể bị cô lập trong vài tháng.

…Đây là những cơ sở để SG nhìn lại, xem lại cách phát triển bê tông và khắc phục sửa chữa nếu không sẽ vô phương và quá muộn

…Mặt khác hãy nhìn lại mảnh đất SG trong suốt những năm qua đã phải mang trọng trách, gồng mình, gánh quá nhiều cho cả nước trong khi tỉ lệ ngân sách để lại cho SG vẻn vẹn 18% tương đương với việc làm ra 100 đồng chỉ giữ lại được có 18 đồng là điều rất thiệt thòi, làm giảm động lực phát triển, mòn đi ý trí trỗi dậy mãnh liệt của thành phố này khó lòng sánh ngang hàng với các nước trong khu vực.

…Vậy giải pháp nào để SG phát triển mạnh nhưng lành lặn?

-SG cần phải được cởi bỏ, trao các cơ chế đặc biệt, tăng tỷ lệ giữ lại ngân sách lên khoảng 50% để tận dụng cơ hội sửa chữa thay vì bỏ lỡ gần 20 năm qua từ đó thúc đẩy, buộc các địa phương khác tự lực cánh sinh, tay làm hàm nhai, năng động, sáng tạo hơn …

-Đẩy nhanh dứt khoát tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp, tăng cường đầu tư công, cần thiết có thể tách thêm nữa các quận, huyện khác rời tên Sài Gòn để sáp nhập vào các địa phương lân cận để thúc đẩy tốt hơn hoặc tách ra đứng riêng rẽ.

-Có chính sách hỗ trợ, trả tiền kết hợp với các địa phương để người ngoại thành tạm biệt SG trở về quê hương xây dựng

-Nền nông nghiệp, công nghiệp muốn không bị lệ thuộc, ko bị các nhóm khác, nước khác thao túng, đè nén thì nhất định phải làm cho nhân dân, công nhân thoát khổ, giàu lên bền vững và chính đáng!

-Cần có một lộ trình dứt khoát, chi tiết cho việc tái cấu trúc không gian vật lý, quy hoạch, kiến trúc, không gian kinh tế, xã hội, hành chính, quản trị. Nếu quy hoạch xây dựng hạ tầng phó mặc cho nhóm ác hám lợi bất chính thì sa vào sai lầm nghiêm trọng trong việc thay đổi cấu trúc phong thủy, động vào long mạch lấp hồ chặt rừng sẽ gây ra hiện tượng mạch long bị biến dạng, phân tán, vượng khí tiêu hao

-Hạn chế hoặc cấm phát triển các dự án nhà ở mới ở các vùng lõi trung tâm hay các nơi đang là điểm nóng của ô nhiễm, ngập, tắc đường + Áp thuế lũy tiến với đầu cơ bđs khi mua căn nhà thứ 2+ trở lên, hạn chế người nước ngoài sở hữu bđs, khi thuê phải đóng thuế cao hơn, các giao dịch mua đi bán lại trong thời gian ngắn sẽ được áp thuế vài chục phần trăm… Chú ý đặc biệt đến việc đền bù, giải phóng lập dự án có lợi nhuận từ tài nguyên đất thu được cần phải thỏa mãn 4 nơi: lợi ích cho người dân có đất bị quy hoạch, lợi nhuận đủ cho chủ đầu tư không bị thất thoát, lợi cho ngân sách và một phần lợi cho tương lai.

-Dịch chuyển các khu công nghiệp về các địa phương lân cận xây nhà cho cán bộ người lao động nhân viên kéo dãn dân số, di dời các trường đh, cđ, nghề ra khỏi nội đô cũng như rà soát lại hoặc giảm bớt các trường không có chuyên môn, năng lực đào tạo tránh việc kéo tân sinh viên từ các tỉnh đồ về… dành các quỹ đất này làm bãi đỗ xe, công viên, công trình công cộng và dứt khoát nói không với chung cư biệt thự tại những nơi này.

-SG cần gọn lại, tránh ôm đồm mở rộng, khó quản lý, thanh kiểm tra việc phê duyệt, rà soát tận lực toàn bộ các dự án bđs về mật độ, phòng cháy chữa cháy, hệ thống xử lý nước thải, rác thải, chiều cao…

-SG cần phải dành quỹ đất, chính sách ưu đãi hết mức xây dựng đồng loạt nhà ở xã hội thời hạn sử dụng 30 năm – 50 năm dành cho người thu nhập thấp, siết chặt tín dụng và dừng cho vay mới bất động sản cao cấp sẽ là động lực rất lớn để đẩy toàn bộ xã hội đến với vận hội mới tốt cho nền kinh tế.

-Đảm bảo yếu tố bền vững là đất (khai thác sử dụng đúng giá trị) -nước (bảo vệ giữ gìn hệ thống sông, hồ, ao, kênh, rạch, nước ngọt) – Không Khí (chất lượng không khí) – Cây xanh (tổ chức mỗi học sinh, mỗi trường, mỗi nhà trồng 1 cây xanh phủ khắp thành phố, các dự án phê duyệt nghiệm thu bắt buộc đảm bảo mảng xanh) – Con người mới (có tư tưởng mới).

Theo: Trịnh Thành.

Tham gia thảo luận

Compare listings

So sánh